LÀNG NGHỀ BÚN, BÁNH GÒ CHÈ

2020-06-02 15:06:00.0

Gò Chè là xóm nằm ven sông Cầu, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 3 km về phía Bắc. Con người nơi đây được thiên nhiên ban tặng cho nguồn nước trong mát của dòng sông Cầu thơ mộng, những cánh đồng phù sa màu mỡ, bằng phẳng thẳng cánh cò bay, đã từ lâu là vựa lúa của xã Cao Ngạn. Từ trong đời sống nông nghiệp, nghề làm bún, bánh đã gắn bó với bà con từ những năm năm mươi của thế kỷ trước, trải qua bao thăng trầm đã giúp cho người dân có thêm thu nhập và vươn lên làm giàu.

    Gò Chè là xóm nằm ven sông Cầu, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 3 km về phía Bắc. Con người nơi đây được thiên nhiên ban tặng cho nguồn nước trong mát của dòng sông Cầu thơ mộng, những cánh đồng phù sa màu mỡ, bằng phẳng thẳng cánh cò bay, đã từ lâu là vựa lúa của xã Cao Ngạn. Từ trong đời sống nông nghiệp, nghề làm bún, bánh đã gắn bó với bà con từ những năm năm mươi của thế kỷ trước, trải qua bao thăng trầm đã giúp cho người dân có thêm thu nhập và vươn lên làm giàu. 

      

     Sản phẩm làng nghề làm ra vô cùng phong phú gồm: bún, bánh phở, bánh cuốn, bánh giò, bánh rợm, bánh gai đều là các sản phẩm làm ra từ hạt gạo quê hương, trong đó nổi tiếng nhất là sản phẩm bún, bánh cuốn Gò Chè. Những sợi bún trắng muốt, miếng bánh cuốn trong mát được làm từ đôi bàn tay khéo léo của người con gái Gò Chè đã góp phần vào hương vị ẩm thực nồng nàn của vùng đất Thái Nguyên. Để ghi nhận và khuyến khích tạo điều kiện phát triển nghề truyền thống địa phương, năm 2010, UBND tỉnh Thái Nguyên đã công nhận Gò Chè là làng nghề truyền thống cấp tỉnh.

     Trước đây, người Gò Chè  làm bún, bánh theo phương thức truyền thống khá cầu kỳ, qua nhiều công đoạn và mất nhiều thời gian. Làm bún, bánh thủ công vừa vất vả, năng suất lại không cao nên vài năm gần đây, một số gia đình trong xóm đã đầu tư máy sản xuất bún, bánh liên hoàn để giảm sức lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo đó, mọi công đoạn từ: xay, nhào, ép bột đến ép sợi bún, tráng bánh đều được thực hiện bằng máy nên đỡ tốn công mà năng suất và chất lượng bún, bánh lại cao hơn, đặc biệt là đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm.

     

    Hiện nay, làng nghề có gần 20 hộ đầu tư dây chuyền công nghệ, 10 hộ sản xuất thủ công và khoảng 50 hộ lấy hàng đi bán lẻ. Nhờ có máy móc và các đầu mối tiêu thụ phong phú, bình quân mỗi ngày làng nghề cung cấp ra thị trường khoảng 15 tấn sản phẩm bún, bánh cuốn, bánh phở các loại. Sản phẩm của làng nghề không những có mặt khắp thành phố Thái Nguyên mà còn đến với các huyện, thành trong tỉnh và vươn tới các tỉnh lân cận. Được người tiêu dùng tin cậy cung cấp cho nhiều bếp ăn lớn ở trường học, cơ quan đơn vị, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

                                                                                       

Trung Kiên

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1194475

XÃ CAO NGẠN - THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN

Địa chỉ: Xã Cao Ngạn - Thành phố Thái Nguyên

Chịu trách nhiệm nội dung: Đoàn Việt Dũng - Chủ tịch UBND

Bản quyền © 2020 Uỷ ban nhân dân xã Cao Ngạn. Bảo lưu toàn quyền

Thông tin liên hệ

  • 0208.3702456
  • caongan@thainguyencity.gov.vn