GIỚI THIỆU CHUNG
Cao Ngạn trước đây là một thôn thuộc xã Đồng Bẩm, tổng Huống Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Sau ngày cách mạng tháng tám thành công, đầu năm 1946, 4 xã Minh Lập, Hóa Trung, Hóa Thượng và Đồng Bẩm hợp nhất thành một đại xã, đặt tên là Hóa Thượng. Cao Ngạn là một thôn thuộc đại xã Hóa Thượng. Năm 1950 đại xã Hóa Thượng được đổi tên thành xã Đồng Bẩm. Cuối năm 1953 để thuận lợi cho việc thực hiện chính sách giảm tô, xã Đồng Bẩm được tách thành 5 xã: Cao Ngạn, Đồng Bẩm, Dân Chủ, Hóa Trung, Minh Lập. Xã Cao Ngạn chính thức được thành lập cuối năm 1953 với 187 hộ và 1015 khẩu sinh sống ở 8 xóm: Gốc Vối, Hội Hiểu, Làng Vàng, Gò Chè, xóm Vải, Cầu Đá, Thác Lở, Phúc Lộc.
Ngày 31/7/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 84/2008/NĐ-CP về điều chỉnh địa giới hành chính huyện Đồng Hỷ để mở rộng thành phố Thái Nguyên. Tháng 9/2008 xã Cao Ngạn chính thức được sáp nhập về thành phố Thái Nguyên.
Xã Cao Ngạn là xã nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 6 km về phía bắc; Phía Đông giáp phường Chùa Hang và phường Đồng Bẩm; Phía Bắc giáp xã Hóa Thượng; Phía Tây giáp xã Sơn Cẩm; Phía Nam giáp phường Quang Vinh.
Xã Cao Ngạn có 17 xóm, năm 2019 thực hiện sáp nhập xóm, từ tháng 01/2020 xã còn 15 đơn vị xóm. Theo thống kê tại thời điểm tháng 1/2020, dân số của xã là 7.431 người, 2012 hộ.Trên địa bàn xã Cao Ngạn có 02 tiểu đoàn: 13, 23 và 02 kho: Kho H8, kho Hóa Học thuộc Bộ Tham mưu Quân khu I; Một số công ty, doanh nghiệp như: Công ty CP Xi măng Cao Ngạn, công ty CP Gạch Cao Ngạn, Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, trường dạy nghề Thái Hà, doanh nghiệp Việt Cường, công ty Đúc Thái Nguyên… Những công ty, doanh nghiệp kể trên đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của xã. Về giáo dục, đến năm 2019, trên địa bàn xã có 3 trường học gồm 01 Trường Mầm non, 01 Trường Tiểu học và 01 Trường Trung học cơ sở đều được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục của các trường ngày càng được nâng cao.