Giới thiệu về tiềm năng phát triển tỉnh Thái Nguyên

2021-07-23 16:46:00.0

Một góc thành phố Thái Nguyên

Tỉnh Thái Nguyên có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế và xã hội. Nhiều tiềm năng đã và đang trở thành nguồn sống của con người, song có nhiều tiềm năng hiện vẫn còn là những cơ hội đang chờ đón các nhà đầu tư khai thác.

A. Tiềm năng phát triển

1. Tiềm năng về nông lâm nghiệp

Được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và đất đai, Thái Nguyên có nhiều khả năng phát triển nông lâm nghiệp. Chè Thái Nguyên, đặc biệt là chè Tân Cương là sản phẩm nổi tiếng trong cả nước Việt Nam đã từ lâu. Toàn tỉnh hiện có trên 22.3000 ha chè, là địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích, sản lượng và giá trị sản phẩm thu được trên 01 ha đất trồng chè. Toàn tỉnh có 6.813 ha sản xuất chè an toàn, hữu cơ, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn chiếm 34,5% tổng diện tích chè cho sản phẩm. Một số vùng chè đặc sản của tỉnh có giá trị sản phẩm sau chế biến thu được cao như: Vùng chè Tân Cương, thành phố Thái Nguyên; vùng chè Trại Cài, Minh Lập, huyện Đồng Hỷ; vùng chè La Bằng, huyện Đại Từ; vùng chè Tức Tranh, Vô Tranh, huyện Phú Lương.

Tỉnh Thái Nguyên có tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 179.914,28 ha, trong đó: Rừng đặc dụng 36.411,2 ha; rừng phòng hộ 45.971,63 ha; rừng sản xuất 97.731,53 ha. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định trên 47%, giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2020 đạt 845,2 tỷ đồng . Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng bình quân khoảng 157.000 m³/năm. Toàn tỉnh có 555 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến lâm sản; 240 cơ sở sản xuất đồ mộc gia dụng.

Cây quế và cây dược liệu tại Thái Nguyên đã tồn tại từ lâu và phân bố rộng rãi trong rừng tự nhiên. Công tác gây trồng, phát triển một số loại cây dược liệu được quan tâm đầu tư phát triển. Toàn tỉnh hiện có khoảng 3.136 ha quế và cây dược liệu tập trung ở một số huyện như: Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai.

Ngoài ra, tỉnh còn có một số sản phẩm nông lâm sản đã có thương hiệu như miến dong, bún, mỳ, bánh trưng Bờ Đậu, mành cọ, mây, tre đan, giang đan…

Hiện nay Thái Nguyên có 14.680 ha cây ăn quả các loại, trong đó có một số cây ăn quả có diện tích và sản lượng lớn như: Bưởi (1.945 ha), chuối (1.755 ha), nhãn (1.741 ha), vải (1.421 ha), na (740 ha)…

Trên địa bàn tỉnh có 400 hợp tác xã nông nghiệp; có 112 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông, lâm nghiệp, thủy sản, 6.136 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm nghiệp, thủy sản.

2. Tiềm năng về tài nguyên khoáng sản

Tài nguyên khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên rất phong phú về chủng loại, đó là một lợi thế so sánh lớn trong việc phát triển các ngành công nghiệp luyện kim, khai khoáng… Tỉnh Thái Nguyên có trữ lượng than lớn thứ hai trong cả nước. Than mỡ trữ lượng trên 15 triệu tấn và than đá trữ lượng khoảng 90 triệu tấn. Quặng sắt đang được khai thác cho việc luyện thép của Công ty Gang thép Thái Nguyên. Ti tan có trữ lượng thăm dò khoảng 18 triệu tấn. Kim loại màu có thiếc, chì, kẽm,vonfram, vàng, đồng, niken, thuỷ ngân… Hiện nay, thiếc đã được khai thác và xuất khẩu. Khoáng sản vật liệu xây dựng là tiềm năng nguyên liệu rất lớn để sản xuất xi măng, sản xuất đá ốp lát các loại và sản xuất vật liệu xây dựng.

Tỉnh Thái Nguyên khuyến khích các dự án đầu tư chế biến sâu khoáng sản.

3. Tiềm năng về du lịch

- Thái Nguyên có các điểm du lịch chính như sau:

+ Khu du lịch Hồ Núi Cốc đã được đầu tư tương đối nhiều. Hiện nay, tỉnh đang tập trung đầu tư xây dựng đường ven hồ. Tỉnh Thái Nguyên khuyến khích các dự án đầu tư mở rộng khu du lịch.

+ Khu du lịch Hang Phượng Hoàng, Suối Mỏ Gà tại huyện Võ Nhai cách thành phố Thái Nguyên 45 km. Nơi đây đang cần vốn đầu tư công trình cáp treo, nhà nghỉ tiện nghi cao cấp và các công trình vui chơi giải trí.

+ Khu di tích lịch sử ATK huyện Định Hoá đã được đầu tư.

+ Khu Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam (tại thành phố Thái Nguyên) và các công trình kiến trúc nghệ thuật đền chùa như Đền Đuổm (Phú Lương), chùa Hang ( Đồng Hỷ), chùa Phủ Liễn, đền Xương Rồng, đền Đội Cấn (thành phố Thái Nguyên).

- Thái Nguyên có thể hình thành các tuyến du lịch nối các điểm tham quan, du lịch trong tỉnh với các điểm du lịch của các tỉnh lân cận, như đến cây đa Tân Trào (Tuyên Quang); Hồ Ba Bể (Bắc Kạn); Pắc Bó (Cao Bằng); Động Tam Thanh, Nhị Thanh và núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn); Tam Đảo - Hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc); Đền Hùng (Phú Thọ); Côn Sơn, Yên Tử, Đền Kiếp Bạc (Hải Dương).

- Thái Nguyên có tiềm năng du lịch lớn nhưng chưa phát triển mạnh. Thái Nguyên đang cần thu hút nguồn vốn đầu tư lớn vào lĩnh vực này, trong đó có cả hệ thống khách sạn chất lượng dịch vụ cao.

4. Tiềm năng về nguồn nhân lực

- Thái Nguyên có 9 trường đại học trong đó Đại học Thái Nguyên có 7 trường (Công nghiệp, Nông lâm, Sư phạm, Y dược, Khoa học, Kinh tế, Công nghệ thông tin); Đại học Việt Bắc; Đại học Công nghệ Giao thông vận tải; 12 trường cao đẳng, 8 trường trung cấp chuyên nghiệp, 30 trung tâm dạy nghề đóng trên địa bàn tỉnh đang đóng vai trò vừa là trung tâm đào tạo vừa là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Trung tâm thương mại và đại siêu thị GO! Thái Nguyên là trung tâm thương mại, đại siêu thị lớn nhất và hiện đại nhất của Tập đoàn này đầu tư tại Việt Nam từ trước tới nay

B. Định hướng phát triển

1. Lĩnh vực kinh tế

Tập trung cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng trong xây dụng cơ chế, chính sách bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh liên kết vùng

Tập trung xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc; quy hoạch hệ thống đô thị Thái Nguyên theo hướng phân bổ hợp lý giữa các vùng, kết nối thuận lợi với hệ thống đô thị vùng đồng bằng Bắc Bộ. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các nguồn lực, các nhà đầu tư đến với tỉnh, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp với các nhóm ngành có tiềm năng, lợi thế của tỉnh như: Công nghiệp điện, điện tử, công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến khoáng sản, nông, lâm sản gắn với kiểm soát và bảo vệ môi trường.

Từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của tỉnh. Nghiên cứu, triển khai mô hình kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thực tiễn phát triển của tỉnh. Tạo lập môi trường thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng giữa kinh tế truyền thống và mô hình kinh tế chia sẻ; chú trọng công tác an ninh mạng, thực hiện tốt chính sách giảm thiểu rủi ro, giải quyết các vấn đề phát sinh về lao động, việc làm, an sinh xã hội trong hoạt động kinh tế chia sẻ. Đẩy mạnh liên kết vùng theo chiều dọc và theo chiều ngang nhằm tăng cường kết nối và phát huy thế mạnh của từng địa ngang phương trong khu vực.

Phát triển công nghiệp - xây dựng:

Tận dụng các lợi thế, thành quả, cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng ưu tiên các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn, công nghiệp sạch; sản xuất hàng xuất khẩu. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp khu vực phía Nam của tỉnh. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh và đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội; khôi phục và phát triển các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh. Phát triển công nghiệp hỗ trợ, hình thành cụm ngành công nghiệp trong một số ngành công nghiệp ưu tiên.

Phát triển ngành xây dựng đủ sức thiết kế, thi công các công trình xây dựng trong các lĩnh vực theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Có chính sách thu hút đầu tư hiện đại hóa ngành xây dựng, sử dụng vật liệu mới, tiết kiệm năng lượng, ứng dụng công nghệ xây dựng hiện đại.

Phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản

Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường liên kết chuỗi và phát triển bền vững gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm là phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, thế mạnh của tỉnh; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Nâng cao chất lượng, giá trị cây chè và sản phẩm trà. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản. Khuyến khích, thúc đẩy tập trung, tích tụ đất đai để tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao. Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý rừng bền vững. Nâng cao chất lượng, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch

Đẩy mạnh phát triển khu vực dịch vụ, nhất là các dịch vụ có tiềm năng, lợi thế của địa phương; các dịch vụ hỗ trợ cho các ngành công nghiệp, nông nghiệp. Phát triển dịch vụ, thương mại trong mối liên kết với các tỉnh, thành phố, các trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Gắn kết sản xuất nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống với thương mại điện tử để mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Quy hoạch các vùng du lịch trọng điểm; tập trung phát triển các sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh; phát triển khu du lịch Hồ Núi Cốc, du lịch tâm linh, lịch sử về nguồn từ quê hương của Hoàng đế Lý Nam Đế (thị xã Phổ Yên) đến ATK Định Hoá, kết nối với các khu, điểm du lịch và di tích lịch sử văn hoá của các tỉnh, thành trong cả nước.

Tăng cường công tác điều hành ngân sách, dịch vụ tài chính, ngân hàng

Bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tài chính trong công tác quản lý ngân sách nhà nước. Tiếp tục cơ cấu lại các khoản chi ngân sách theo hướng tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển.

Phát triển dịch vụ tài chính ngân hàng, bảo hiểm nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các ngành khác, đồng thời tạo nền tảng cơ sở hạ tầng vững chắc cho việc thu hút đầu tư vào tỉnh.

Thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế

Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng ưu tiên lựa chọn các dự án có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Tập trung thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, khu công nghiệp phía Nam gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội.

Tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư, phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Tiếp tục đổi mới, đầu tư phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã.

Phát triển đồng bộ các loại thị trường

Phát triển đa dạng các loại thị trường gồm: Thị trường hàng hóa, thị trường tài chính tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường khoa học và công nghệ, thị trường lao động, bảo đảm các nhân tố này được phân bổ hiệu quả, tạo động góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển năng động, bền vững.

Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật

Tập trung phát triển, nâng cấp hệ thống đô thị; phát triển các điểm, khu cụm dân cư nông thôn theo quy hoạch. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý đô thị.

Phát triển hạ tầng giao thông vận tải tạo sự liên kết, liên hoàn thông suốt từ mạng lưới giao thông quốc gia đến đường tỉnh, đường huyện, đường xã giữa các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn, vùng nguyên liệu với các cụm công nghiệp chế biến.

Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình thủ lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp; các công trình hồ chứa, đập dâng nước phục vụ đa mục tiêu.

2. Lĩnh vực văn hóa - xã hội

Phát triển giáo dục, đào tạo

Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông; củng cố vững chắc và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp học và trường chuẩn quốc gia. Đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển giáo dục và đào tạo. Tiếp tục quan tâm đến giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của Đại học Thái Nguyên và các trường đại học thành viên trong nghiên cứu khoa học, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao đời sống Nhân dân. Huy động các nguồn lực thực hiện đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các chính sách xã hội. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, phù hợp thực tiễn và nhu cầu xã hội, nhu cầu thị trường lao động. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Phát triển sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân

Nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân. Tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Phát triển y tế chuyên sâu; phát huy vai trò, thế mạnh của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và các bệnh viện tuyến tỉnh trong tiếp nhận, chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng trong lĩnh vực y tế; khuyến khích phát triển các hình thức y tế ngoài công lập. Kế thừa, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền. Nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ, tinh thần.

Phát triển văn hoá, thể thao, thông tin và truyền thông

Phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa; các di tích lịch sử cách mạng; văn hóa, văn nghệ mang bản sắc truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Tăng cường đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động phát triển văn hóa, thể thao và du lịch. Quan tâm phát triển thể thao thành tích cao.

Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản; bảo vệ, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Tăng cường hoạt động thông tin đối ngoại, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Phát triển khoa học và công nghệ

Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ gắn với các ngành, lĩnh vực ưu tiên.

Thực hiện tốt công tác dân tộc và tôn giáo

Triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dân tộc, tôn giáo theo nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển, góp phần tăng cường gắn kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nguồn thông tin:

1. Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

2. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

3. Báo cáo cung cấp thông tin giới thiệu về tỉnh Thái Nguyên của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên

4. Website của Trung tâm Xúc tiền đầu tư - Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên

Phòng Biên tập - Trị sự
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1158972

XÃ CAO NGẠN - THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN

Địa chỉ: Xã Cao Ngạn - Thành phố Thái Nguyên

Chịu trách nhiệm nội dung: Đoàn Việt Dũng - Chủ tịch UBND

Bản quyền © 2020 Uỷ ban nhân dân xã Cao Ngạn. Bảo lưu toàn quyền

Thông tin liên hệ

  • 0208.3702456
  • caongan@thainguyencity.gov.vn